Nồi inox bị cháy đen không phải là trường hợp hiếm gặp, thậm chí, nếu quá trình nấu nướng sai cách thì đây là hiện tượng phổ biến. Mặc dù đã áp dụng nhiều cách làm sạch nhưng bạn vẫn không khắc phục được tình trạng nồi inox bị cháy đen? Rất có thể là do khi vệ sinh nồi inox, bạn đã mắc một trong các sai lầm dưới đây.
1. Quá vội vàng xử lý vết cháy trên nồi inox
Vết cháy đen xuất hiện trên nồi inox khi bạn đặt nồi trên bếp quá lâu mà không cho dầu mỡ, thức ăn vào. Hoặc đáy nồi đang nóng mà bạn đột ngột đổ nước lạnh vào trong nồi gây nên hiện tượng sốc nhiệt. Vì thế, khi nồi inox bị cháy đen và vẫn còn nóng, bạn không nên vội vàng xử lý vết cháy bằng cách ngâm nồi trong nước lạnh và thực hiện các biện pháp làm sạch bởi sẽ khiến tình trạng thêm tồi tệ, vết cháy đen càng bám chặt vào bề mặt, lớp men chống dính dễ bị trầy xước và mài mòn, ảnh hưởng đến độ bền của nồi. Tốt nhất hãy để nồi thật nguội rồi mới vệ sinh, cọ rửa vết cháy.
2. Lựa chọn chất tẩy rửa không đảm bảo
Chất tẩy rửa đóng vai trò quan trọng trong việc vệ sinh và làm sạch nồi inox nói riêng và các dụng cụ, thiết bị bếp nói chung. Nhiều chị em mặc định: Chất tẩy rửa nào cũng có công dụng giống nhau và hiệu quả như nhau, chỉ cần tạo bọt và có hương thơm là được. Thế nhưng, thực chất, mỗi loại nước tẩy rửa sẽ có thành phần khác nhau, không phải loại nào cũng có thể sử dụng tốt cho các vật liệu sành, sứ, nhựa, thủy tinh, inox,… Nếu chọn và sử dụng không đúng, không chỉ gây lãng phí và mất thời gian mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ sạch của dụng cụ, thiết bị cần tẩy rửa.
Đối với nồi inox, đương nhiên bạn không thể dùng nước rửa chén thông thường để làm sạch, nếu có thì cũng chỉ là để xử lý vết bẩn thông thường. Còn những vết bẩn cứng đầu như vết ố vàng, vết cháy đen, đòi hỏi bạn phải sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng được bán kèm khi mua các bộ nồi inox hoặc những sản phẩm tẩy rửa được khuyến cáo, khuyên dùng cho đồ inox.
3. Sử dụng sai công thức, sai tỷ lệ khi pha chế dung dịch
Bên cạnh chất tẩy rửa chuyên dụng thì nhiều chị em phụ nữ áp dụng cách vệ sinh nồi inox bằng những nguyên liệu tự pha chế từ chanh tươi, giấm, bột baking soda,… Tuy nhiên, không ít trường hợp không đạt hiệu quả như mong muốn. Lúc này, cần xem lại công thức và tỷ lệ pha chế. Nếu một thành phần nào đó quá ít hoặc quá nhiều sẽ khiến dung dịch không mang lại hiệu quả làm sạch tối đa.
Chẳng hạn, đối với bộ đôi giấm và dầu thực vật, bạn phải đảm bảo tỷ lệ giữa dầu thực vật và giấm là 1:1,2 và áp dụng quy trình làm sạch sau: Phun trực tiếp lên chỗ cháy đen của nồi inox, đợi 3 - 5 phút sau dùng miếng bọt biển chà sát nhẹ nhưng kiên trì, sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch thì mới có thể xử lý được vết bẩn hiệu quả. Hay với bột baking soda, bạn phải hòa với nước theo tỷ lệ 1:0,5 thành hỗn hợp sền sệt rồi bôi trực tiếp lên chỗ bẩn, sau đó dùng khăn mềm chà sát mạnh và rửa lại bằng nước sạch thì nồi mới sạch sẽ và sáng bóng như mong muốn.
Trên đây là 3 sai lầm mà các chị em nội trợ thường gặp khi vệ sinh nồi inox bị cháy đen, bạn có thể tham khảo để tránh đi vào “vết xe đổ”. Bên cạnh đó, đừng quên chọn những bộ nồi inox chất lượng và sử dụng đúng cách để ngăn chặn những vết cháy đen khó chịu xuất hiện dưới đáy nồi.
Lê Trinh